image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
TRẬN CÙ TRÒN NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 1964

Ngày 27 tháng 11 năm 1964, tại Xóm Tròn (Cù Tròn) thuộc ấp Tân Long, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã diễn ra trận chống càn nổi tiếng, đi vào lịch sử kháng chiến của Đảng bộ, quân và dân Châu Thành trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Tình hình chung trước khi diễn ra trận đánh

Từ năm 1962, lực lượng vũ trang huyện chính thức được thành lập và Đại đội 313 (c313) ra đời. Trước khi xảy ra trận đánh, c313 gồm 03 trung đội nhưng trang bị còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Sau khi quốc sách ấp chiến lược của Mỹ-ngụy thất bại, nhân dân trong huyện Châu Thành nói chung và xã Thanh Phú Long nói riêng rất phấn khởi trở về với ruộng vườn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp tục ủng hộ cách mạng.

Nhân dân Thanh Phú Long vốn có truyền thống cách mạng, địa bàn thuận lợi nên nơi đây đã trở thành khu căn cứ lâu đời của nhiều cơ quan lãnh đạo của Long An và Chợ Gạo-Mỹ Tho.

Riêng địa bàn ấp Tân Long là khu vực phòng thủ chung bảo vệ vùng căn cứ cách mạng. Trong khu vực này ta bố trí thành 04 tuyến phòng thủ: Tuyến 1 là khu vực Xóm Rẫy, Tuyến 2 là khu vực cầu Bà Ký, Tuyến 3 là khu vực Xóm Tròn (Cù Tròn), Tuyến 4 là khu vực đình Ông Nhái. Ở các tuyến phòng thủ đã hình thành hệ thống công sự sẵn sàng đánh địch.

Khu vực Cù Tròn có diện tích hẹp, hình chữ T và được che khuất bởi các vườn dừa, rặng cây, dân cư thưa thớt (chưa đến 10 nóc nhà). Xung quanh Xóm Tròn là biền lầy, sông rạch, chỉ có duy nhất hướng bắc là thông ra cánh đồng lúa.

Tình huống và diễn biến của trận đánh

Cuối tháng 11 năm 1964, trung đội 1 thuộc c313 huyện Châu Thành đang hoạt động ở khu vực Bình Tâm-An Vĩnh Ngãi thì được lệnh về ấp Thanh Bình 1 (Thanh Vĩnh Đông) để dự đợt học tập chỉnh huấn.

Đêm 26 tháng 11 năm 1964, đơn vị hành quân về đến Xóm Rẫy (Thanh Phú Long) vừa rạng sáng, đơn vị dừng lại nghỉ chân thì được tin địch sắp càn vào. Đây là vùng căn cứ thuộc ấp Tân Long, từ lâu ta đã hình thành sẵn các tuyến phòng thủ bảo vệ căn cứ.

Sáng 27 tháng 11 năm 1964, địch mở trận càn lớn vào ấp Tân Long (Thanh Phú Long) huy động cả bộ binh, tàu chiến, xe tăng, có máy bay trực thăng đổ quân. Quân số địch gồm 2 tiểu đoàn của sư đoàn 7, 1 chi đoàn thiết giáp M113 gồm hơn 20 chiếc, 30 tàu xuồng máy trong đó có 4 tàu đổ bộ, 10 máy bay trực thăng đổ quân. Vòng ngoài có pháo binh và đại đội bảo an 848 Bình Phước hỗ trợ. Vậy là địch đã càn quét bằng “trực thăng vận” và “thiết xa vận” ở Cù Tròn với quy mô và ác liệt chưa từng thấy, tương quan ta-địch quá chênh lệch.

Lực lượng ta từ Xóm Rẫy nhanh chóng di chuyển đội hình xuống Xóm Tròn, Tân Long triển khai chuẩn bị chiến đấu. Khoảng 08 giờ sáng, địch cho hơn 20 chiếc M113 tràn vào dàn hàng ngang nổ súng dữ dội, sau đợt mưa đạn, 3 chiếc M113 lừng lững bò tới, ta chiến đấu kiên cường đẩy lùi 3 đợt tiến công của địch.

Đến trưa, do biết rõ về quân số của ta, chúng liều lĩnh đưa M113 và bộ binh chiếm lĩnh trận địa. Các chiến sĩ ta với phương châm chiến đấu “1 viên đạn, 1 quân thù” bình tĩnh đợi địch đến gần mới nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đến xế chiều do  thiệt hại nặng địch ngừng tấn công để củng cố lực lượng. Tình thế thuận lợi này giúp lực lượng ta rút khỏi trận địa về ấp Thanh Bình 1 (Thanh Vĩnh Đông). 

Ảnh: Bia Cù Tròn tại ấp Tân Long, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An (st).

Kết quả và ý nghĩa lịch sử của trận đánh

Trận chống càn là chiến công của Trung đội 1, c313 địa phương quân Châu Thành, chỉ với 18 cán bộ chiến sĩ đã lập nên chiến tích lớn: đẩy lùi 6 đợt tiến công ác liệt của địch, tiêu diệt 120 tên, bắn hỏng 1 xe M113 và nhiều thiết bị khí tài của địch, phía ta 1 đồng chí anh dũng hy sinh (đồng chí Nguyễn Văn Bực). Chiến thắng góp phần làm thất bại kế hoạch bình định của địch.

Thắng lợi trận chống càn Cù Tròn là sự kết tinh cao độ về ý chí quyết tâm, tinh thần quyết chiến quyết thắng của Đảng bộ, quân dân Châu Thành ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khẳng định tính đúng đắn về đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Đó còn là sự khẳng định quá trình trưởng thành và lớn mạnh của lực lượng vũ trang địa phương, cùng với sự phát triển rộng khắp phong trào cách mạng của quần chúng trên địa bàn huyện.

Thắng lợi Cù Tròn đã ghi đậm nét son vào trang sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm trên quê hương Châu Thành, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống bất khuất của dân tộc. 


image advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement image advertisementimage advertisement
image advertisementimage advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

Thư viện ảnh