image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Triển khai khống chế dịch bệnh Cúm A/H5N1 trên gia cầm địa bàn huyện Châu Thành

Bệnh Cúm A/H5N1 trên gia cầm có tỉ lệ chết cao, lây lan nhanh, bệnh chưa có thuốc trị nhưng đã có vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm. Đặc biệt, bệnh có khả năng lây từ gia cầm sang người qua tiếp xúc với gia cầm và sản phẩm gia cầm mang mầm bệnh gây bệnh Cúm nặng có thể dẫn tới tử vong.

Theo thông báo kết quả xét nghiệm ngày 06/02/2025 của Chi cục Thú y Vùng 6 về việc “Phát hiện vi rút Cúm gia cầm H5N1 trên mẫu bệnh phẩm lấy từ gà bệnh của hộ chăn nuôi ở ấp 5 Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành thì Hiệp Thạnh là “vùng dịch”, các xã Vĩnh Công, Phú Ngãi Trị, Phước Tân Hưng, Dương Xuân Hội, thị trấn Tầm Vu thuộc vùng bị dịch uy hiếp” do giáp ranh với địa bàn xã có dịch và các xã còn lại của huyện thuộc “vùng đệm”.

Anh-tin-bai

Ảnh: Bản đồ dịch tễ ổ dịch cúm gia cầm tại xã Hiệp Thạnh

 

Trước nguy cơ tái phát, lây lan dịch bệnh Cúm gia cầm, ngày 08/02/2025, UBND huyện Châu Thành ban hành kế hoạch số 351/KH-UBND triển khai công tác khống chế bệnh Cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn huyện Châu Thành tóm lược như sau:

Biện pháp khống chế dịch bệnh:

- Triển khai tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng chuồng trại các xã vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. Thời gian thực hiện từ ngày 06/02/2025 đến ngày 16/02/2025

+ Tỉnh hỗ trợ miễn phí vắc xin tiêm phòng tại vùng dịch (Hiệp Thạnh); vùng bị dịch uy hiếp (các xã Vĩnh Công, Phú Ngãi Trị, Phước Tân Hưng, Dương Xuân Hội, thị trấn Tầm Vu).

Đối tượng được hỗ trợ: Các hộ chăn nuôi gia cầm (gà, vịt, vịt xiêm, ngỗng, …) có qui mô tổng đàn từ 2.000 con trở xuống (≤ 2.000 con).

Loại vắc xin sử dụng: Navet - Fluvac 2 (Đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi dùng).

+Tỉnh hỗ trợ miễn phí hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại tại vùng dịch (Hiệp Thạnh); vùng bị dịch uy hiếp (các xã Vĩnh Công, Phú Ngãi Trị, Phước Tân Hưng, Dương Xuân Hội, Thị trấn Tầm Vu).  Đối tượng được hỗ trợ thuốc sát trùng như sau:

 Hộ xảy ra dịch bệnh (Khử trùng liên tục từ 3-7 ngày)

 Hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô tổng đàn từ 2.000 con trở xuống (≤ 2.000).

 Các chợ buôn bán gia cầm sống, sản phẩm gia cầm.

+ Lưu ý: Ngoài đối tượng được hỗ trợ hóa chất khử trùng miễn phí, các cơ sở chăn nuôi, trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y.

- Triển khai tiêm phòng thu tiền: Ngoài đối tượng được hỗ trợ miễn phí vắc xin, UBND xã chỉ đạo tổ chức tiêm phòng thu tiền vắc xin Cúm gia cầm cho toàn bộ tổng đàn gia cầm trên toàn huyện cùng với thời gian triển khai đợt tiêm phòng chống dịch.

Công tác tổ chức thực hiện:

- Thành viên Ban Chỉ đạo huyện: Tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm tại UBND các xã, thị trấn theo sự phân công của UBND huyện.

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Trạm Chăn nuôi Thú y, các xã, thị trấn tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động vận chuyển, mua bán sản phẩm động vật; đặc biệt kiểm tra các cơ sở giết mổ, các chợ và dọc các tuyến đường trên địa bàn huyện; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, kinh doanh thịt tươi sống không rõ nguồn gốc.

- Trạm Chăn nuôi Thú y huyện: Nhận vắc-xin và vật tư chống dịch do tỉnh hỗ trợ, cấp cho xã Hiệp Thạnh và các xã vùng bị dịch uy hiếp. Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định; kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc, tình trạng sức khỏe gia súc, gia cầm trước khi đưa vào cơ sở giết mổ.

- Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:

Thành lập Đội tiêm phòng vắc xin và đội phun thuốc sát trùng, phân công cán bộ xã phụ trách cụ thể từng ấp, nhiệm vụ kiểm tra tình hình dịch bệnh, tuyên truyền người dân khi có gia súc, gia cầm bệnh hoặc chết phải báo chính quyền địa phương, tuyệt đối không được vứt xác động vật chết ra hệ thống kênh, rạch gây lây lan mầm bệnh và ô nhiễm môi trường.

Tổ chức tiêm phòng, khử trùng tiêu độc triệt để, đúng kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng đúng theo quy định.

Nếu hộ chăn nuôi nào không chấp hành tiêm phòng vắc xin thì lập biên bản và cho chủ hộ cam kết nếu dịch bệnh xảy ra sẽ bắt buộc tiêu hủy và không được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để khôi phục lại sản xuất.

 Sau khi kết thúc công tác khống chế dịch bệnh, UBND xã, thị trấn nộp bao bì, vỏ chai vắc-xin và thuốc sát trùng quyết toán với Trạm Chăn nuôi Thú y huyện.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện công tác khống chế dịch bệnh Cúm A/H5N1 trên gia cầm địa bàn huyện Châu Thành, các đối tượng liên quan cần thực hiện tốt để khống chế dịch bệnh triệt để nhằm giảm thiệt hại kinh tế trong chăn nuôi đồng thời đảm bảo sức khỏe người dân vì bệnh có thể lây từ gia cầm sang người và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin ngừa bệnh cúm gia cầm cho người.

Mỹ Linh
image advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement
 image advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement

image advertisement

 image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thư viện ảnh