Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn về lĩnh vực Chăn nuôi Thú y cho người dân huyện Châu Thành trong năm 2025
Thực hiện kế hoạch năm 2025 của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Châu Thành về Khuyến nông Chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã hoàn thành chỉ tiêu tổ chức 08 lớp tập huấn ngắn ngày về lĩnh vực Chăn nuôi Thú y với 239 lượt người tham dự.
Nội dung tập huấn xoay quanh các vấn đề quan trọng về các biện pháp phòng một số bệnh trên vật nuôi trong từng giai đoạn thời tiết và diễn biến tình hình dịch bệnh. Học viên tham dự các lớp tập huấn chủ yếu là hội viên của hội Nông dân và Hội Phụ nữ ở các xã Phú Ngãi Trị, Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông và Hòa Phú được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn những chuyên đề phù hợp với tình hình chăn nuôi, dịch bệnh tại địa phương mình.
Quang cảnh lớp tập huấn “Các biện pháp phòng bệnh trên vật nuôi” tại ấp Thanh Bình 2 xã Thanh Vĩnh Đông
Trong lớp tập huấn, học viên được hướng dẫn các biện pháp phòng chống một số bệnh quan trọng trong thời điểm hiện nay như bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả heo Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên bò, bệnh dại trên chó, mèo,…. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu như sử dụng vắc-xin đúng cách, tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ, dinh dưỡng phù hợp để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, cách ly mầm bệnh nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào chuồng trại tiếp xúc vật nuôi gây bệnh cho chúng. Đồng thời cán bộ kỹ thuật cũng hướng dẫn các nguyên tắc chung trong việc phòng những bệnh từ vật nuôi có thể lây cho người qua từng khâu như chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán, chế biến, bảo quản, tiêu dùng… để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Các nguyên tắc chủ yếu như sử dụng đồ bảo hộ lao động gồm quần áo, khẩu trang, bao tay, mắt kính, ủng,… rửa sạch tay bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng trước và sau khi tiếp xúc vật nuôi hay đi mua thực phẩm, chế biến thức ăn; tiêu độc, khử trùng trong khâu giết mổ và vận chuyển vật nuôi theo hướng dẫn của ngành thú y. Khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không ăn thịt gia súc, gia cầm bị bệnh chết. Khi vật nuôi bị bệnh, chết nhiều cần báo cho cán bộ thú y để được hướng dẫn xử lý, không tự ý bán chạy hay giết thịt tránh làm lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe những người tiếp xúc vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi gồm người chăn nuôi, người làm trong lò mổ, người vận chuyển, buôn bán, người tiêu dùng,...
Giảng viên còn giúp mọi người nắm được mức độ nguy hiểm của một số bệnh đang có nguy cơ cao và chưa có thuốc điều trị như bệnh cúm gia cầm, bệnh Dịch tả heo Châu Phi, bệnh dại, đặc biệt là bệnh dại và bệnh cúm gia cầm có khả năng lây sang người. Người dân cần chú trọng phòng bệnh dại vì thời gian gần đây bệnh gia tăng ở nhiều địa phương và bệnh thường xảy ra nhiều trong mùa nắng nóng. Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp nhấn mạnh về mối nguy hiểm của bệnh dại là không thể chữa được và bệnh lây sang người khi bị chó, mèo dại cắn, cào. Hướng dẫn cách nhận biết và phòng bệnh dại bằng vắc-xin cho chó, mèo đồng thời nhắc nhở người dân bị chó, mèo cắn, cào phải đến ngay cơ quan y tế để được tư vấn phòng bệnh bằng vắc-xin và kháng huyết thanh dại để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra vì tỉ lệ tử vong của bệnh dại khi phát bệnh là 100%.
Quang cảnh lớp tập huấn “Phòng bệnh viêm da nổi cục trên bò” tại ấp Phú Tây B xã Thanh Phú Long
Đồng thời, trong những giai đoạn nắng nóng kéo dài hay thời tiết giao mùa, người chăn nuôi trong các lớp tập huấn còn được hướng dẫn thêm cách chống nóng cho vật nuôi, tăng sức đề kháng cho vật nuôi để hạn chế bệnh xảy ra trong những giai đoạn thời tiết xấu là thời điểm rất dễ phát sinh dịch bệnh. Cụ thể gồm các biện pháp chống nóng cho vật nuôi như phun sương làm mát, sử dụng quạt, rèm hợp lý ngoài ra cần chú ý cách chăm sóc vật nuôi trong thời điểm này như cho ăn và chích ngừa lúc trời mát, cung cấp đủ nước uống, bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa và chất điện giải để tăng sức đề kháng, thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại,...
Qua các lớp tập huấn, người dân được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng bệnh cho vật nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại kinh tế cho nông hộ đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe những người làm công việc phục vụ ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng.