Tổng kết Mô hình nhân rộng nuôi tôm ứng dụng Công nghệ cao trên địa bàn huyện Châu Thành năm 2024
Nhằm thực hiện kế hoạch số 1803/KH-UBND ngày 10/07/2024 của Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành về việc xây dựng Mô hình nhân rộng nuôi tôm ứng dụng Công nghệ cao trên địa bàn huyện Châu Thành năm 2024, huyện Châu Thành tiếp tục thực hiện nhân rộng 20 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 02 giai đoạn ứng dụng Công nghệ cao tại 3 xã Thanh Phú Long, Thuận Mỹ và Thanh Vĩnh Đông với tổng diện tích 17,036 ha, sử dụng công nghệ xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học trong ao nuôi, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát môi trường ao và quản lý sức khỏe tôm nuôi. Khi thực hiện mô hình, mỗi hộ nuôi tôm được hỗ trợ kinh phí tối đa 63.842.500 đồng, hỗ trợ bằng hiện vật bao gồm: con giống, chế phẩm sinh học, máy cho ăn, tủ điện điều khiển các thiết bị trong ao nuôi, chi phí xét nghiệm 7 loại bệnh nguy hiểm trên tôm trước khi sang tôm giai đoạn 2, bộ test kiểm tra 5 yếu tố môi trường, thùng kiểm tra sức khỏe tôm và đĩa khuẩn cùng gói cước sử dụng dịch vụ 1 năm.
Quy trình nuôi tôm: Nuôi 02 giai đoạn, gồm giai đoạn ương trong ao lót lưới đáy (24 - 35 ngày tuổi) và giai đoạn nuôi trong ao lót lưới đáy cho đến khi thu hoạch (25 - 105 ngày tuổi). Các hộ diện tích nhiều thực hiện trên ao đăng ký thực hiện và áp dụng cho các ao còn lại.
Ao nuôi tôm của hộ tham gia mô hình tại ấp Bình Trị 1, xã Thuận Mỹ
Khi triển khai mô hình tổ thực hiện mô hình đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình nuôi tôm ứng dụng Công nghệ cao, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình nuôi, qua đó người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: xây dựng ao, lựa chọn con giống, quản lý và chăm sóc tôm nuôi, các hộ nuôi luôn hỗ trợ nhau trong quá trình nuôi tạo sự gắn kết trong quá trình sản xuất. Trong suốt quá trình nuôi, các hộ tham gia mô hình luôn điều chỉnh các yếu tố môi trường ao nuôi về phạm vi thích hợp. Tuy nhiên, một số giai đoạn vẫn xuất hiện khí độc vượt ngưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, một số ao nuôi có độ kiềm luôn ở mức thấp (60 mg/l) do giai đoạn mưa kéo dài ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, làm tôm nuôi chậm lớn.
Mô hình ứng dụng Công nghệ cao giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi xuất hiện tình trạng tôm rớt tỉa do môi trường nước biến động ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, tôm chậm lớn, đường ruột đứt khúc, gan tụy mờ. Đồng thời điều kiện về thổ nhưỡng địa phương có phèn tiềm tàng ảnh hưởng tới mô hình nuôi. Do đó, kế hoạch triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao 02 giai đoạn tại 08 hộ nuôi không đạt theo yêu cầu đề ra trong đó có 06 hộ bị lỗ và 02 hộ hòa vốn. Tuy nhiên, 12 hộ tham gia mô hình có lãi ở mức lợi nhuận từ 200 - 500 triệu đồng.
Thu hoạch tôm tại hộ tham gia mô hình ở ấp Phú Tây A, xã Thanh Phú Long
Vì vậy, trong quá trình nuôi tôm bà con nên tuân thủ các khuyến cáo của các ngành chức năng, nhà khoa học để chọn thời điểm, lịch trình thả giống cho đảm bảo mùa vụ thuận lợi, nên chọn đơn vị cung cấp giống uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh nhiễm bệnh từ giống, có sự cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật cao hơn để từng bước nâng cao chất lượng mô hình. Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên và hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả trong sản xuất, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đúc kết một số kinh nghiệm như sau:
- Thực hiện các mô hình nuôi tôm Công nghệ cao an toàn dịch bệnh, giảm chi phí vụ nuôi.
- Tăng cường công tác tuyên truyền đến người nuôi tôm về tình trạng lạm dụng kháng sinh và các chất cấm trong sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận đồng thời giữ tính an toàn cho môi trường nuôi.
- Cải thiện hệ thống cấp nước đầu vào cho mô hình nuôi, chú trọng cải tạo và xử lý ban đầu cho vụ nuôi.
- Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân xét nghiệm bệnh trước khi chuyển tôm giai đoạn 2.
- Thực hiện kỹ hơn khâu chọn hộ để chọn đúng người tâm huyết với mô hình.