Người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi trong giai đoạn giao mùa.
Hàng năm, cứ đến giai đoạn giao mùa chuyển từ nắng gắt sang mùa mưa, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi lại diễn biến phức tạp hơn, dịch dễ bùng phát hơn. Trong điều kiện thời tiết xấu làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, đồng thời làm chậm tiến độ phòng bệnh bằng vắc-xin, nếu người chăn nuôi gia súc, gia cầm không tích cực phòng bệnh cho vật nuôi thì đây là thời điểm vật nuôi rất dễ nhiễm bệnh. Cho nên, người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh trên vật nuôi trong giai đoạn này để giảm thiểu bệnh cho vật nuôi thì chăn nuôi mới có hiệu quả kinh tế.
Bà con chăn nuôi phải tích cực hơn trong vấn đề phòng bệnh vì chi phí phòng bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị và những thiệt hại khi xảy ra dịch bệnh như giảm trọng lượng, giảm đẻ, giảm sản lượng sữa, hao hụt đầu con làm giảm đáng kể hiệu quả kinh tế. Vì vậy, một khi đã quyết định chăn nuôi thì bà con cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp “chăn nuôi an toàn sinh học” nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập khu vực chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh và nên tuân thủ đầy đủ các điều kiện tái đàn, tăng đàn do cơ quan chức năng quy định. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường hỗ trợ người chăn nuôi phòng bệnh qua các đợt cung cấp vắc-xin và thuốc sát trùng miễn phí, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh và thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh đến người chăn nuôi. Nếu không chủ động phòng chống kịp thời thì nhiều bệnh như dịch tả heo châu Phi, tụ huyết trùng, cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục,… dễ lây lan ra diện rộng rất khó kiểm soát và khống chế.
Do đó cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi trong nhà như chó, mèo để tránh thiệt hại cho ngành chăn nuôi và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng vì có những bệnh lây nhiễm từ vật nuôi sang người như bệnh dại, cúm gia cầm, liên cầu khuẩn,...
Người chăn nuôi cần phải đảm bảo các biện pháp "chăn nuôi an toàn sinh học" như kiểm tra lại việc sử dụng vắc-xin trong thời gian qua để có kế hoạch tiêm phòng đầy đủ theo đúng lịch trình tiêm phòng của cơ quan thú y địa phương khuyến cáo; vệ sinh, sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, trang thiết bị, vật dụng chăn nuôi thường xuyên; hạn chế việc ra vào của người lạ và phương tiện vận chuyển đến khu vực chăn nuôi, lối ra vào phải rải vôi hoặc có hố chứa thuốc sát trùng, giảm việc đi lại các nơi chăn nuôi khác. Cần hạn chế tối đa người vào tham quan trại. Trước khi vào chuồng, trại người chăn nuôi phải rửa tay bằng cồn hay xà phòng, thay dép hoặc ủng và trang phục dành riêng cho việc chăm sóc vật nuôi. Có lưới, rào chắn không cho ruồi, muỗi, chim, chuột, chó, mèo,…vào khu vực chăn nuôi và nhà kho chứa thức ăn,… có thể mang mầm bệnh vào gây bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, cần che chắn chuồng trại hoặc sử dụng rèm tránh mưa tạt, gió lùa vào khu vực chăn nuôi. Tăng cường dinh dưỡng cho vật nuôi bằng khẩu phần dinh dưỡng theo đúng nhu cầu phù hợp đối tượng nuôi, mục đích nuôi và độ tuổi, chọn thức ăn có chất lượng cao, bổ sung vitamin, khoáng chất và men tiêu hóa để tăng cường sức đề kháng. Thực hiện yêu cầu kiểm dịch trước khi xuất nhập vật nuôi đồng thời gia súc, gia cầm mới mua về phải nuôi cách ly theo qui định của thú y. Không vứt xác vật nuôi bừa bãi, không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh mà phải báo cho nhân viên thú y hoặc Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại địa phương để được hướng dẫn cách xử lý. Ngoài ra, người dân nên theo dõi thường xuyên thông tin diễn biến dịch bệnh trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình để kịp thời thực hiện các khuyến cáo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Bà con chăn nuôi có vấn đề cần tư vấn có thể liên hệ trực tiếp với cán bộ thú y hoặc Trung Tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện để được hướng dẫn chi tiết.