Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Châu Thành tập huấn “Các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi” cho nông dân xã Phú Ngãi Trị
Hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang có xu hướng gia tăng trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Châu Thành cũng như tỉnh Long An diễn biến phức tạp, đã xảy ra một số ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Đầu năm 2025, huyện Châu Thành đã xảy ra bệnh Dịch tả heo Châu Phi tại xã Phú Ngãi Trị và cúm A/H5N1 trên gia cầm tại xã Hiệp Thạnh. Đa số các hộ chăn nuôi còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhất là công tác tiêm phòng các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và việc thực hiện định kỳ sát trùng chuồng trại chăn nuôi, do đó nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa bàn huyện là rất lớn. Nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi, chiều ngày 03/03/2025, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã kết hợp với Hội Nông dân xã Phú Ngãi Trị mở lớp tập huấn “Các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi” với gần 20 hội viên tham dự tại nhà ông Trần Văn Bửu ấp Phú Xuân 1, xã Phú Ngãi Trị.
Trong lớp tập huấn, học viên được hướng dẫn các biện pháp phòng chống một số bệnh quan trọng ở thời điểm hiện tại như bệnh cúm gia cầm, bệnh Dịch tả heo Châu Phi, bệnh dại,… và các nguyên tắc chung trong phòng bệnh từ vật nuôi có thể lây cho người qua từng khâu như chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán, chế biến, bảo quản, tiêu dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Các nguyên tắc chủ yếu như sử dụng đồ bảo hộ lao động gồm khẩu trang, bao tay, mắt kính, ủng,… rửa sạch tay bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng trước và sau khi tiếp xúc vật nuôi, mua thực phẩm, chế biến thức ăn,… Khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, thịt, trứng chưa nấu chín, không ăn thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, chết. Khi vật nuôi bị bệnh, chết nhiều cần báo cho cán bộ thú y để được hướng dẫn xử lý, không tự ý bán chạy hay giết mổ tránh làm lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe những người tiếp xúc vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa.

Quang cảnh buổi tập huấn “Các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi” tại ấp Phú Xuân 1, xã Phú Ngãi Trị
Cán bộ kỹ thuật phổ biến các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải tiêm phòng bắt buộc như Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng và Viêm da nổi cục trên bò; Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng và dịch tả trên heo; cúm gia cầm và dịch tả trên gia cầm. Đồng thời thông tin mức hỗ trợ cho gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do dịch bệnh cụ thể như: heo 38.000 đồng/kg hơi; bò, dê 45.000 đồng/kg hơi; gia cầm đến 28 ngày tuổi 20.000 đồng/con; gia cầm trên 28 ngày tuổi đến 60 ngày tuổi 25.000 đồng/con; gia cầm trên 60 ngày tuổi 35.000 đồng/con.
Qua lớp tập huấn, người dân nắm được mức độ nguy hiểm của một số bệnh đang có nguy cơ cao và chưa có thuốc điều trị như bệnh cúm gia cầm, bệnh Dịch tả heo Châu Phi, bệnh dại, đặc biệt là bệnh dại và bệnh cúm gia cầm có khả năng lây sang người. Đồng thời được trang bị kiến thức cơ bản về phòng bệnh cho vật nuôi như tiêm phòng, định kỳ sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi thường xuyên thông tin diễn biến dịch bệnh trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình để kịp thời thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng hoặc có thể liên hệ trực tiếp với cán bộ thú y tại địa phương để được giải đáp thắc mắc khi có nhu cầu.