image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người

Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm độc lực cao gây ra, có thể lây nhiễm không chỉ cho gà, vịt, chim, mà cả con người và các động vật khác như heo, bò, động vật hoang dã cũng bị nhiễm. Cúm A chủng H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất, ngoài ra còn các chủng H5N6, H7N9,... đều có thể gây bệnh cho gia cầmlây sang người.

Tỷ lệ mắc bệnh cúm và chết tùy thuộc vào loài vật mắc bệnh, độc lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc và điều kiện môi trường. Bệnh cúm gia cầm thường gây chết nhiều nhất trên gà ở mọi lứa tuổi, biểu hiện thông qua các triệu chứng sốt cao, chảy nước mắt, đứng tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mắt, da tím tái, chân xuất huyết, chảy nước dãi, mào và yếm tím tái. Trường hợp virus gây bệnh có độc lực cao, gà có thể chết 100%. Ngoài ra, khi gà bị cúm còn có thêm biểu hiện ăn ít, giảm sản lượng trứng, một số con còn có biểu hiện bị co giật. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng, mắt thông qua không khí, dụng cụ chăn nuôi, xe cộ, phân rác, thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh. Các địa điểm bán gia cầm, trứng và chim trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh chính là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang cộng đồng đông dân cư.

Anh-tin-bai

Hình ảnh gà bị bệnh “Cúm gia cầm”

Con đường lây nhiễm dễ nhất sang người đó là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc chất thải của gia cầm nhiễm bệnh thông qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín kỹ hoặc chế biến không hợp vệ sinh. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, hoặc sử dụng trứng sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Tỉ lệ tử vong ở người do nhiễm cúm gia cầm, đặc biệt là chủng A/H5N1 rất cao, có thể lên tới 60% (theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO). Do đó, người dân tuyệt đối không chủ quan với cúm A/H5N1, phải chú ý phòng dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, không để lây lan dịch bệnh trên đàn gia cầm. Nếu chúng ta không dập tắt được dịch từ gia cầm thì dịch cúm sẽ lây sang người.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm cần sự phối hợp thực hiện đồng bộ của người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển cũng như tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm cụ thể như sau:

Đối với người chăn nuôi gia cầm cần kiểm tra lại việc sử dụng vắc-xin trong thời gian qua để có kế hoạch tiêm phòng theo đúng lịch trình khuyến cáo của cơ quan thú y địa phương. Điều quan trọng là bà con chăn nuôi không nên lơ là, chủ quan không tiêm hoặc tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm không đúng theo lịch trình hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương. Bên cạnh đó, bà con phải thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như sát trùng chuồng trại, dụng cụ theo định kỳ kết hợp với hạn chế tối đa việc ra vào khu vực chăn nuôi của người và phương tiện, bản thân người chăn nuôi cũng giảm việc đi lại các nơi chăn nuôi khác. Khu vực chăn nuôi cần có lưới rào bao bọc, không thả rông, có hố sát trùng ở lối ra vào. Nên chọn mua giống tại các cơ sở có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y, không mua giống không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện gia cầm có biểu hiện bệnh, chết nghi ngờ do bệnh cúm gia cầm thì phải thông báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương. Không ăn, không bán gia cầm mắc bệnh, gia cầm chết phải được chôn hoặc đốt theo hướng dẫn của cán bộ thú y, không vứt ở nơi công cộng.

Đối với dịch vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm thì tất cả phương tiện, dụng cụ dùng chứa đựng, vận chuyển đều phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển, đảm bảo không để rơi vãi chất thải trong quá trình vận chuyển.

Đối với người buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm phải tuân thủ đầy đủ các quy định kiểm dịch khi mua vào, bán ra. Trong đó, các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm sống và sản phẩm gia cầm phải đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y.

Đối với người tiêu thụ chỉ nên mua các sản phẩm gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không nên tự giết mổ và tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh thịt, trứng chưa chín.

Người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ gia cầm phải được trang bị đồ bảo hộ như khẩu trang, bao tay, ủng và rửa tay thường xuyên bằng nước diệt khuẩn hoặcphòng. Khi đi vào chợ gia cầm hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống cần đeo khẩu trang, sau đó rửa tay bằng xà phòng.

Hiện tại, chỉ ghi nhận trường hợp lây nhiễm cúm gia cầm từ gia cầm sang người, chưa có bằng chứng cho thấy bệnh cúm gia cầm lây từ người sang người và chưa có vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm cho người. Bệnh chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng và sử dụng thuốc ngăn sự gia tăng số lượng virus trong cơ thể nhưng phải được sử dụng sớm thì mới có hiệu quả. Vì vậy, chủ động phòng bệnh là biện pháp rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng. 

Đặc biệt, những người có dấu hiệu của bệnh cảm cúm với các biểu hiện như sốt cao, hắt hơi, chảy nước mũi, đau đầu, đau nhức toàn thân, ho nhiều, đau rát họng, tức ngực, khó thở, mệt mỏi,… mà trước đó đã có tiếp xúc qua gia cầm, sản phẩm gia cầm bệnh, chết hoặc đã từng đến những nơi có dịch bệnh cúm gia cầm, thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Ngoài ra, người dân cần theo dõi thường xuyên thông tin diễn biến dịch bệnh trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí,... để kịp thời thực hiện các khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Đồng thời, góp phần cùng địa phương giám sát, phát hiện các trường hợp gia cầm nghi ngờ nhiễm bệnh cúm gia cầm; không tiếp tay cho các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm bệnh.

Mỹ Linh
image advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement
 image advertisementimage advertisementimage advertisementimage advertisement

image advertisement

 image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thư viện ảnh