Tích cực thực hiện Kế hoạch tiêm phòng bệnh Dại trên chó, mèo năm 2025 của UBND huyện Châu Thành
Năm 2024, tại tỉnh Long An xảy ra 11 trường hợp bệnh Dại trên chó, đặc biệt ghi nhận 04 người tử vong do bệnh Dại.
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người do virus dại gây ra, tỉ lệ tử vong rất cao, gần như 100%. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại (thường là chó, mèo) trên da bị tổn thương. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus nhanh chóng vào thần kinh trung ương, sinh sản rất nhanh, sau đó virus theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt, bởi vậy ở nước bọt có độc lực trước khi có triệu chứng 2-14 ngày. Bệnh dại được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tốc độ phát triển nhanh, gây tử vong cao và hiện tại chưa có phương pháp điều trị hiệu quả khi đã xuất hiện triệu chứng. Biện pháp hữu hiệu nhất là phòng bệnh cho chó, mèo bằng vắc-xin để giữ an toàn tính mạng cho vật nuôi và con người.

Hình ảnh chó bị bệnh dại
Để ngăn ngừa dịch bệnh và nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bệnh Dại trên địa bàn huyện, ngày 07/02/2025 UBND huyện Châu Thành ban hành Kế hoạch tiêm phòng bệnh Dại trên chó, mèo năm 2025 với nội dung chính như sau:
- Đối tượng tiêm phòng bắt buộc gồm toàn bộ chó, mèo thuộc diện tiêm trên địa bàn huyện. Phân bổ chỉ tiêu năm 2025 cho huyện Châu Thành là 6.950 liều vắc-xin.
- Tổ chức thực hiện tiêm phòng từ ngày 05/02/2025 đến ngày 15/5/2025.
- Tiêm phòng bổ sung dự kiến tổ chức từ tháng 9 đến tháng 10/2025 thực hiện số lượng chỉ tiêu còn lại trong kế hoạch năm 2025 cho chó, mèo chưa được tiêm phòng hoặc mới phát sinh.
- Sử dụng vắc-xin Ra-bi-sin hoặc vắc-xin khác được phép lưu hành, quy cách 1 liều/ 1 lọ, tiêm dưới da 1 liều/con.
- UBND các xã, thị trấn:
+ Tổ chức thống kê tổng đàn chó, mèo hiện có trên địa bàn, phân ra đối tượng chó, mèo thuộc diện tiêm, đăng ký nhu cầu vắc-xin gửi về Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để thực hiện tiêm phòng.
+ Thành lập Tổ tiêm phòng, thành phần gồm nhân viên thú y xã, thị trấn và Trưởng khu phố, ấp là người dẫn đường. Tổ tiêm phòng phải ghi vào biểu mẫu, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo đúng quy định.
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn, giám sát bảo quản, sử dụng, kỹ thuật tiêm vắc xin.
- Khi thực hiện tiêm phòng các hộ chăn nuôi phải trả tiền mua vắc-xin và tiền công tiêm phòng theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch tiêm phòng bệnh Dại trên đàn chó, mèo đợt chính năm 2025 của UBND huyện Châu Thành, cần mọi người chung sức thực hiện tốt để phòng bệnh cho người và vật nuôi.
Ngoài ra người dân cần lưu ý:
Bệnh dại là một trong các bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm gây tử vong hàng đầu, với tỉ lệ tử vong gần như 100% khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Hàng năm đều có tình trạng chó mắc bệnh dại truyền lây cho con người và gây tử vong thương tâm cho các gia đình, vì vậy các hộ gia đình nuôi chó cần tuân thủ thực hiện tiêm phòng dại cho chó đầy đủ, kịp thời, khi nghi ngờ chó có triệu chứng dại phải báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cán bộ thú y cơ sở để có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi khác.
Trong trường hợp người bị chó cắn thì phải đưa người đến ngay cơ quan y tế dự phòng để khám và tiêm phòng, đồng thời nhốt chó theo dõi 15 ngày nếu chó rõ nguồn gốc, còn chó cắn không rõ nguồn gốc thì phải áp dụng điều trị dự phòng cho người như bị chó dại cắn. Đối với trường hợp bị mèo cào, cắn hay liếm trên vết thương hở cũng cần đến cơ quan y tế để được tư vấn và hướng dẫn xử lý. Thực tế, các vắc-xin dại thế hệ mới tiêm phòng cho người hiện nay rất an toàn, có thể tiêm cho cả phụ nữ có thai và trẻ em ở mọi lứa tuổi. Vắc-xin phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt (vắc-xin chết) do đó không có khả năng gây bệnh, không gây hại cho người tiêm, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác.